Nguồn gốc thương hiệu Sơn Hà - Sự kiện sơn hà

Không chỉ ở Hải Phòng mà ở cửa ga Nam Định, và giữa quảng trường ngã sáu chợ Hàng Da, phố Đường Thành (Hà Nội), ai ai đi qua hay vòng lại cũng phải chú ý ngắm nhìn lên “chú tắc kè” to lớn, da sần sùi mà bóng nhẫy mầu sơn xanh lá cây: “Đấy, cửa hàng chính của hãng sơn Gecko đấy”. Ở con ngõ nhỏ mà người Hải Phòng quen gọi là ngõ Sơn Hà ngày nay vẫn còn những kho tàng, nhà xưởng vốn trước đây là cơ sở sản xuất sơn của Nguyễn Sơn Hà.

 

Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 trong một gia đình nghèo quê gốc Hà Tây. Bố mất sớm, nhà lại đông anh em nên khi mới 14, 15 tuổi, ông đã phải làm thuê kiếm sống. Nhờ có ít chữ, ông xin vào làm phụ bàn giấy ở một hãng buôn Pháp. Nhưng đồng lương ba cọc không đủ nuôi các em, Nguyễn Sơn Hà cạy cục vào làm việc cho hãng sơn Sauvage Cottu với ý định làm giàu.

 

         Bằng sự linh hoạt của một người có tầm nhìn xa trông rộng, Nguyễn Sơn Hà đã phát triển một lối sản xuất riêng trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có của đất nước mình. Từ những ngày đầu mò mẫm làm sơn bằng dụng cụ thô sơ là chiếc cối đá mua ở chợ, dần dần, ông cải tiến cối xay sơn bằng sắt và tìm hiểu, áp dụng những phương pháp làm sơn tiên tiến. Nhờ sử dụng nguồn nhân công rẻ trong nước và chủ động tạo nguyên liệu bằng việc gây dựng, khai thác các đồn điền trồng thông, trồng trẩu ở Quảng Yên, Thanh Hóa, mỏ đất màu ở miền Trung, sơn của ông cho chất lượng tương đương nhưng giá thành hạ hơn nhiều so với các hãng sơn Pháp.

            Người Pháp với niềm kiêu hãnh ''khai hoá văn minh'', mục tiêu vơ vét tài nguyên của thuộc địa mang về nước mẹ đương nhiên không thể làm ngơ trước sự hưng thịnh của một doanh nghiệp thuộc địa, nhất là khi các sản phẩm sơn Ré sistanco1, Ré sistanco 2 tràn sang thị trường các nước Lào, Thái, Miên. Chúng tìm đủ mọi cách chèn ép, khi thì dùng thủ đoạn vu khống, lúc kiếm cớ di dời, phá bỏ hòng bóp chết hoạt động của hãng sơn - nơi mà chúng cho là mầm mống của nền công nghiệp bản địa. Nhưng nhờ khôn khéo đấu tranh, Nguyễn Sơn Hà đã vượt qua mọi thủ đoạn chèn ép của thực dân khiến những nhà cầm quyền phương Tây phải kiêng nể.

           Trong những yếu tố tạo nên thành công khi phát triển sản xuất, kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà đặc biệt đề cao nguyên tắc ''lấy nhân dùng nhân''. Để gắn bó người tâm phúc theo mình, ông mua hàng trăm ha ruộng đất ở Kinh Môn cấp đất cho vợ con họ cày cấy, số thóc thu được ông đem bán rẻ cho anh em công nhân những ngày khó khăn. Mến cách ứng xử bao dung của ông chủ tài năng, có người thợ giỏi từng làm công trong hãng sơn người Pháp đã bỏ sang làm việc cho hãng sơn Nguyễn Sơn Hà.

 Nguyễn Sơn Hà đã thành công trong con đường phát triển sản xuất, kinh doanh không chỉ bằng ''trí tài'' mà còn bằng ''tâm sáng''.

           Ngày ngày tiếp xúc, va chạm, chịu đủ sự chèn ép của thực dân trong công việc kinh doanh, ông đã sớm ý thức được nỗi tủi nhục của người dân mất nước. Điều đó nhen lên trong ông một tinh thần phản kháng đã âm ỉ ngay từ những ngày đầu bước vào con đường kinh doanh. Những cảnh bắt bớ, giết chóc tàn bạo của thực dân Pháp và ở khắp nơi phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân nổi lên rầm rộ đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của Nguyễn Sơn Hà. ở vị trí một doanh nhân, Nguyễn Sơn Hà mong muốn và quyết tâm góp phần xây dựng nền công nghiệp dân tộc và từ đó tiến tới những hành động thiết thực đem lại lợi ích cho nước, cho dân mình.

         Năm 1939, trong một lần công tác vào Nam, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm cụ Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ nhà cách mạng kiên trung đã tác động sâu sắc đến bầu nhiệt huyết, lý tưởng dâng hiến cho dân tộc ở ông. Trở về, Nguyễn Sơn Hà giành nhiều sự giúp đỡ cho cách mạng.

          Với vị trí một nhà tư sản uy tín trong giới công thương thành phố, Nguyễn Sơn Hà tranh thủ sự vị nể của thực dân để tham gia các hoạt động xã hội có lợi cho nước, cho dân. Ông tranh cử Hội đồng thành phố với ý định vào để có thế đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách xã hội. Ông hăng hái lao vào các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ với mong muốn mở mang dân trí, thức tỉnh lòng yêu nước cho dân mình.

            Cùng với Hội truyền Bá quốc ngữ, Nguyễn Sơn Hà còn tham gia thành lập các cơ sở từ thiện. Ngay bên cạnh khu biệt thự của gia đình trên đường Lạch Tray, ông mở trường Dục Anh nuôi dạy các cháu nhỏ lang thang, cơ nhỡ.

            Những đứa trẻ lớn lên từ ngôi nhà chung này đã trở thành những công dân hữu ích cho đất nước. Họ vẫn khắc nhớ công ơn của người đã cưu mang, đem đến hạnh phúc cho mình trong một đoạn đời cơ cực.

            Cách mạng tháng Tám thành công. Trong niềm vui của cả dân tộc thoát khỏi trăm năm nô lệ cực cùng, Nguyễn Sơn Hà đã thấy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và mong muốn mình được góp phần.

            Được nhân dân Hải phòng tín nhiệm bầu vào quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cùng với các ông Nguyễn Đình Thi và Trương Trung Phụng, Nguyễn Sơn Hà hăng hái lao vào nhiệm vụ mới.

           Trong dịp thành phố tổ chức ''Tuần lễ vàng'', gia đình ông tiêu biểu đi đầu phong trào bằng việc đóng góp 105 cây vàng. Niềm say mê và tâm huyết xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ khiến ông coi nhẹ công việc kinh doanh vốn đã mang lại cuộc sống giàu sang cho mình.

          Ông vận động các tầng lớp công thương ủng hộ cách mạng, thành lập Việt Nam võ khí công tyyyy là cơ sở đúc súng đạn phục vụ cho phong trào tự vệ của thành phố.

        Nhưng, những ngày tự do chẳng được bao lâu. Ngày 20 tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp quay lại tái chiếm Hải phòng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam lần 2.

Trong khỏi lửa, loạn lạc những ngày đầu giặc chiếm đóng, Nguyễn Sơn Hà đau xót nhận được tin người con cả Nguyễn Sơn Lâm hi sinh ở mặt trận Đông Khê.

 Mất mát, đau thương thổi bùng quyết tâm đi theo cách mạng. Bỏ lại cả gia sản lớn ở Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà mang theo gia đình lên chiến khu Việt Bắc.

 Giã từ cuộc sống đầy đủ của một ông chủ giàu có, ông hòa vào cuộc sống vất vả, thiếu thốn của những người dân tản cư nơi núi rừng xa xôi, tạo lập cuộc sống giản dị bằng đôi bàn tay lao động cần cù. Cách mạng đã mang đến cho ông hoài bão và lý tưởng sống mới.

           Tám năm dưới núi rừng Việt Bắc, lúc Phương Đô, Phúc Trìu, Hà Lải, lúc Đồng Bẩm là quãng thời gian trải bao vất vả, thăng trầm, nhưng con người năng động và sáng tạo ấy vẫn luôn say sưa tìm tòi, vẫn dồi dào nghị lực và sáng kiến. Trong điều kiện thiếu nguyên liệu và phương tiện máy móc, ông bắt tay vào nấu dầu thảo mộc, sản xuất mực in lito, làm giấy than, áo tơi đi mưa, băng cách điệnnnn phục vụ cho cách mạng và đồng bào vùng kháng chiến. Những nỗ lực đóng góp của ông luôn được sự ủng hộ, ghi nhận của các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư động viên, khen ngợi ông.

 Hòa bình, Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội. Ông tiếp tục được bầu vào Quốc hội các khóa II, III, IV. Mong ước xây dựng nền công nghiệp dân tộc vẫn thôi thúc ông trong mỗi bước đi, mỗi công việc dám nghĩ dám làm. Nhiều ý kiến trình quốc hội của ông có giá trị lâu dài với lịch sử như việc xây dựng cảng nước sâu ngoài Bãi Cháy - Quảng Ninh đã thành hiện thực hôm nay.

            Cả đời tâm huyết với nghề làm sơn, những năm cuối đời, Nguyễn Sơn Hà tập trung viết sách và truyền dạy những kinh nghiệm quý cho lớp trẻ, góp phần xây dựng ngành công nghiệp sơn của đất nước.

          Sinh ra trong lòng một dân tộc vừa phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm lại vừa phải chống lạc hậu, đói nghèo, Nguyễn Sơn Hà đã chọn con đường giúp nước, giúp dân của riêng mình. Ông bước vào đời với ước mơ thực nghiệm xây dựng một nền công nhgiệp dân tộc, ông đi theo cách mạng với nghị lực và quyết tâm của một người yêu nước chân chính.

 ''Lấy hóa học bác âu , tô điểm sơn hà bởi tấm lòng son sẵn có

Dùng công nghệ của đất Việt đổi thay thời thế do tay trắng làm nên''

         Hơn nửa thế kỷ trước, nhà cách mạng Phan Bội Châu đã ngợi ca Nguyễn Sơn Hà như thế.

          Một đời ''tay trắng làm nên'', nhưng hơn cả là một đời mang tấm ''lòng son'' với đất nước, nhân dân, ông để lại những bài học qúi cho thế hệ trẻ trên con đường xây dựng tương lai. Ông đã và sẽ sống mãi trong lòng nhân dân thành phố, trong đất Việt văn hiến ngàn đời.

(Theo Đài PT-TH Hải Phòng)

Mọi chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN XÂY DỰNG SƠN HÀ (SHAC)
Trụ sở chính: Số 318 – 319 HK3 đường World Bank, Lê Chân, Hải Phòng
  • Điện thoại: 0312 222 555
  • Hotline: 0906 222 555
  • Email: sonha@shac.vn
Văn phòng đại diện
  • Tại Hà Nội: Số 4/172, Ngọc Hồi, Thanh Trì, TP. Hà Nội
  • Tại Quảng Ninh: Số 289 Giếng Đáy, Hạ Long, Tỉnh. Quảng Ninh
  • Tại Đà Nẵng: Số 51m đường Nguyễn Chí Thanh, P. Thạch Thang. Quận Hải Châu, TP. Đà nẵng
  • Tại Sài Gòn:Số 45 Đường 17 khu B, An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh
Bài viết liên quan
Thiết kế phòng tắm theo hơi hướng cổ điển dành cho biệt thự 31/08/2016 tác giả admin, danh mục Nội thất phòng tắm

Thiết kế phòng tắm theo hơi hướng cổ điển dành cho biệt thự

Phòng tắm nhỏ gọn có giá thành thi công rẻ cho phòng ngủ 15/07/2016 tác giả admin, danh mục Nội thất phòng tắm

Phòng tắm nhỏ gọn có giá thành thi công rẻ cho phòng ngủ

Thiết kế bồn tắm cao cấp cùng vệ sinh theo phong cách cổ điển 09/07/2016 tác giả admin, danh mục Nội thất phòng tắm

Thiết kế bồn tắm cao cấp cùng vệ sinh theo phong cách cổ điển

Các phương án thiết kế nội thất phòng tắm khoa học cho phòng ngủ 30/05/2016 tác giả admin, danh mục Nội thất phòng tắm

Các phương án thiết kế nội thất phòng tắm khoa học cho phòng ngủ

Mẫu nội thất phòng tắm đẹp cho nhà ống, biệt thự hiện đại 12/03/2016 tác giả admin, danh mục Nội thất phòng tắm

Mẫu nội thất phòng tắm đẹp cho nhà ống, biệt thự hiện đại

Các cách thiết kế nội thất phòng tắm và vệ sinh 23/01/2016 tác giả admin, danh mục Nội thất phòng tắm

Các cách thiết kế nội thất phòng tắm và vệ sinh

TOP